Vùng đường huyết đái tháo đường những điều cần biết?

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh bệnh đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường có những vùng đường huyết nguy hiểm, đó là khi đường huyết quá thấp hay quá cao.




Đường huyết xuống thấp dưới 60mg/dL dễ đưa người bệnh đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời, còn khi đường huyết thường xuyên tăng cao trên 180mg/dL thì dễ gây ra các biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, mạch máu, tim, não… Chính vì vậy người bệnh phải được điều trị sao cho đạt được đường huyết nằm trong vùng an toàn.

- Đường huyết ổn định, nằm ngoài vùng nguy hiểm, gần mức bình thường sẽ giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh và ngăn ngừa biến chứng
- Đường huyết hạ quá mức đưa người bệnh đến hôn mê do hạ đường huyết
- Đường huyết cao đưa người bệnh đến các biến chứng mạn như mù, đột quỵ, bệnh tim mạch, đoạn chi…
- Đường huyết quá cao gây ra các biến chứng cấp như hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu…
- Đường huyết dao động nhiều – lúc quá cao, lúc quá thấp-cũng đưa đến các biến chứng, chất lượng sống kém.

Vì sao người bệnh không quan tâm đến vùng đường huyết nguy hiểm?

Vùng đường huyết nguy hiểm là một khái niệm không hề mới đối với các thầy thuốc, nhưng đối với bệnh nhân đái tháo đường thì còn rất nhiều người chưa biết, hoặc chưa hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của khái niệm này. Nguyên do là người bệnh quá chủ quan và thiếu hiểu biết về bệnh đái tháo đường. Đây chính là trở ngại lớn nhất của người thầy thuốc trong việc điều trị ổn định bệnh đái tháo đường cho người bệnh.
Một số điều chưa đúng thường gặp ở người bệnh là:
- Cho rằng bệnh mình nhẹ vì vẫn thấy khỏe, bình thường
- Không quan tâm đến đường huyết và rất ít khi làm xét nghiệm, có khi 2-3 tháng hoặc thậm chí cả năm mới thử đường huyết 1 lần.
- Không tái khám, sử dụng thuốc không đúng, hoặc sử dụng 1 toa thuốc từ năm này qua năm khác.
Nhiều người bệnh cho rằng đường huyết của mình không cao do vẫn cảm thấy khỏe hoặc thử nước tiểu không thấy có đường. Trong thực tế, chỉ khi đường huyết tăng hơn 170mg/dL thì mới xuất hiện đường trong nước tiểu và khi đường huyết tăng rất cao (thường trên 300mg/dL) thì mới có các triệu chứng như mệt mỏi, tiểu nhiều, khát nước, khô miệng… Còn khi đường huyết đã tăng cao nhưng thấp hơn con số trên (tức là từ 126mg/dL đến dưới 300mg/dL), thì vẫn chưa biểu hiện triệu chứng do vậy người bệnh thường không cảm nhận được mặc dầu bệnh đã gây biến chứng lên các cơ quan khác trong cơ thể.

Hậu quả là:
- Khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường típ 2 lúc mới phát hiện đã có ít nhất 1 biến chứng
- Đa số bệnh nhân đái tháo đường típ 2 sống hàng tháng, hàng năm với mức đường huyết tăng cao mà không hề biết rằng nhiều bộ phận trong cơ thể họ đang bị tổn thương dần dần cho đến khi triệu chứng xuất hiện
- Bệnh được phát hiện muộn, điều trị rất tốn kém, hiệu quả thấp. Điều trị dù tích cực cũng không thể hồi phục, khó ngăn được biến chứng tiếp diễn và để lại tàn phế.
Đó chính là lý do tại sao đái tháo đường diễn tiến âm thầm và gây ra nhiều tổn thương ở các cơ quan trọng yếu của cơ thể và cũng vì vậy bệnh đái tháo đường được gọi là “sát thủ thầm lặng”

Người bệnh làm gì để không bị rơi vào vùng đường huyết nguy hiểm?

Người bệnh cần phải tự theo dõi đường huyết và biết mức đường huyết cần đạt (vùng an toàn) cũng như biết xử trí khi đường huyết dao động nhiều, quá cao hay quá thấp.

Tự theo dõi đường huyết là gì?

Tự theo dõi đường huyết là biện pháp đo đường huyết bằng máy tại nhà, ghi lại và đánh gíá các trị số đường huyết đo được. Biết được mức đường huyết của mình sẽ giúp người bệnh đạt được mục tiêu điều trị và không bị rơi vào vùng đường huyết nguy hiểm.
Số lần cần thử đường huyết trong ngày còn tùy thuộc vào mục tiêu đường huyết cần đạt, cách thức điều trị và tình trạng bệnh nhân

Đối với đái tháo đường típ 1: nếu đường huyết dao động nhiều và đang điều chỉnh liều Insulin, nên thử 3-4 lần mỗi ngày

Đối với đái tháo đường típ 2:

- Đường huyết ổn định không cần thử thường xuyên
- Đường huyết chưa ổn định nên thử ít nhất 2 lần mỗi ngày
Giảm số lần thử lại khi đường huyết ổn định trở lại

Tăng số lần thử đường huyết trong các trường hợp:
- Trong giai đoạn căng thẳng/stress, đang có thêm bệnh khác
- Nghi ngờ hạ đường huyết
- Hoạt động thể lực nhiều
- Đường huyết đang ở giai đoạn quá cao hay quá thấp
- Thay đổi điều trị, chế độ ăn, cách thức vận động

Người bệnh cần làm gì khi có đường huyết bất thường?

Mức đường huyết được xem là bất thường khi:
- Lúc đói, đường huyết dưới 70 mg/dL (3,9mmol/L)
- Sau ăn 2 giờ, đường huyết trên 200mg/dL (11,1mmol/L)

Khi có mức đường huyết bất thường:
- Trường hợp đường huyết thấp: người bệnh nên ăn thêm bánh, kẹo, nước đường, sữa.
- Trường hợp đường huyết tăng: người bệnh nên xem lại chế độ ăn, loại thức ăn, có quên uống thuốc không…
Sau đó nên đi khám bệnh để được bác sĩ tư vấn và điều chỉnh thuốc.

Vùng đường huyết an toàn là bao nhiêu?

Theo Hiệp hội Đái tháo đường của Mỹ, mức đường huyết an toàn đối với đa số người bệnh đái tháo đường là:
- Đường huyết lúc đói: 90-130mg/dL (5,0mmol/L-7,2mmol/L)
- Đường huyết sau ăn 1-2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dL (10mmol/L)
- Đường huyết trước khi đi ngủ: 110mg/dL-150mg/dL (6,0mmol/L-8,3mmol/L)
Lưu ý là mức đường huyết an toàn, thích hợp còn tùy thuộc vào tuổi tác, mức độ các biến chứng và các bệnh lý kèm theo. Vì vậy, Bác sĩ sẽ quyết định mức đường huyết người bệnh cần đạt là bao nhiêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét